Châu ÁChuyên mục du họcChuyên mục nghề nghiệpCông ty mới thành lậpĐài Loan

Từng trượt Đại học và suất học bổng Thạc sĩ toàn phần tại Đài Loan | Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan

National Chengchi University (NCCU)

Nguyễn Thị Chi

________________________________________________________________

Trường Đại học:

National Chengchi University (NCCU)
Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan – Giảng dạy tiếng Hán

Bằng cấp trước đây

Cử nhân Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS)

Công việc hiện tại:

Giáo viên tiếng Trung

Kinh nghiệm làm việc:

Cộng tác viên Nhà xuất bản Kim Đồng

Tại sao mình du học thạc sĩ?

Thực ra năm đầu tiên mình đã trượt Đại học do thiếu một chút điểm thi đầu vào, mình đã rất hụt hẫng và khó khăn trong khoảng thời gian đó. Nhưng với niềm đam mê tiếng Trung chưa bao giờ dứt, mình khao khát được tìm hiểu nhiều hơn về ngôn ngữ này, nên mình cố gắng sắp xếp lại mớ tâm trạng ấy, biến đau thương thành động lực, mình ôn thi và “chiến đấu” một lần nữa. Cuối cùng, mình đã thành công và thuận lợi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, khoa Ngôn ngữ Trung Quốc. Sở dĩ mình quyết định đi du học hệ thạc sĩ mà không đi làm ngay là vì mình nhận thấy chuyên môn của mình chỉ dừng lại ở việc thành thạo một loại ngoại ngữ, mình sẽ không có nhiều sự lựa chọn ngoài những ngành nghề liên quan đến biên phiên dịch hay biên tập… Mình cảm thấy mình sẽ mất rất nhiều cơ hội thử sức với những lĩnh vực mà mình yêu thích như truyền thông, quảng cáo hay marketing nếu mình đi làm ngay, nên mình muốn học tiếp. Vì tốt nghiệp khoa tiếng Trung nên mình quyết định du học và chọn Đài Loan là điểm đến. 

Mình bắt đầu tìm hiểu về các loại học bổng hệ thạc sĩ của Đài Loan qua mạng, qua các bài chia sẻ của những anh chị đi trước về cách xin học bổng, các loại giấy tờ cần chuẩn bị. Quá trình này mình mất khoảng 1-2 tháng để tìm hiểu và chuẩn bị mọi thứ. Đối với mình, trong quá trình xin học bổng thì việc tự viết bản kế hoạch học tập và giới thiệu bản thân là khó khăn nhất, bởi mình phải nghĩ viết thế nào để hồ sơ của mình được chú ý đến, phải thể hiện ra sao để họ chọn mình. Mình mất khoảng gần 3 tháng để hoàn thành hai nội dung này. Có một điều đặc biệt khi xin học bổng chính phủ Đài Loan đó là chính phủ họ chỉ trợ cấp tiền cho bạn đi học, còn học ở đâu thì bạn phải tự xin. Do đó, mình phải tiến hành hai quá trình song song là vừa “xin tiền” vừa “xin học”. Sau một quá trình khá vất vả, mình may mắn được theo học hệ thạc sĩ ngành truyền thông tại Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan (NCCU) với học bổng toàn phần MOE của Bộ Giáo dục. Với học bổng này, mình được chi trả 100% học phí với điều kiện trung bình các môn mỗi kỳ phải đạt trên 8.0, nếu không đạt sẽ bị cắt học bổng vào kỳ sau. Ngoài ra, mình được trợ cấp thêm 20.000 Đài tệ mỗi tháng, tương đương khoảng 15-16 triệu đồng để chi trả chi phí sinh hoạt cũng như chi phí ở kí túc xá hoặc thuê nhà. Với số tiền trợ cấp này, mình có thể sinh hoạt khá thoải mái trong thời gian sinh sống và học tập ở đây. 

Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan - Giảng dạy tiếng Hán

Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan
Con đường học tập khá gian nan
Nhưng mình đã vượt qua như thế…

Trường mình là trường Quốc lập ở Đài Loan, có thể hiểu là trường Đại học công lập như ở Việt Nam vậy. Để nói về thiết bị giáo dục, cơ sở vật chất cũng như môi trường học tập của trường thì thật sự không có gì để chê cả. Trường mình có cả một hệ thống thư viện, vô cùng nhiều nguồn tài liệu phong phú để sinh viên học tập và nghiên cứu. Các thầy cô đều là tiến sĩ, giáo sư học ở nước ngoài về. Như kỳ đầu tiên thì giáo viên hướng dẫn của mình là một tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Harvard. Bên cạnh đó, mình thấy chương trình thạc sĩ ở Đài Loan tương đối nặng. Học thạc sĩ thì nghiên cứu là chính nên mình phải tự chủ động sắp xếp tất cả lịch nghiên cứu, lịch đi thư viện… để có thể theo kịp bài của hôm sau. Sẽ chẳng có ai nhắc nhở mình phải nộp bài hay làm gì cả. 

Quá trình học tập của mình thời gian đầu khá khó khăn, bởi mình nhận ra là mình đã suy nghĩ quá đơn giản về ngành truyền thông này, phần nữa do mình chưa suy nghĩ thấu đáo rằng cách đào tạo hệ thạc sĩ khác với hệ đại học và cách giảng dạy ở Đài Loan cũng khác hơn so với Việt Nam. Đào tạo thạc sĩ tại Đài Loan thiên về nghiên cứu, tư duy nhiều hơn. Ở bậc Đại học, chủ yếu là tiếp thu kiến thức, nhưng học thạc sĩ là lật lại kiến thức đã học, tự đặt câu hỏi, tự tư duy về vấn đề và để nghiên cứu thì tất nhiên cần phải có nền tảng cơ bản, trong khi mình chưa từng được đào tạo chuyên môn về truyền thông, mình như một trang giấy trắng ở ngành này. Thời điểm đó mình đã vô cùng hoang mang, tài liệu ngành truyền thông ở Đài Loan lại viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, trình độ tiếng Anh của mình thì chưa đủ để hiểu được tất cả kiến thức chuyên sâu như vậy. Mình phải đọc tài liệu tiếng Việt được dịch từ tiếng Anh, sau đó lại viết báo cáo bằng tiếng Trung. Quá trình đó khiến mình áp lực và quá tải, mình đã suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng mình phải chấp nhận sự thật rằng không phải bất cứ cái gì mình thích đều phù hợp với mình. Sau đó, mình quyết định chuyển sang ngành Giảng dạy tiếng Hán vì mình đã có nền tảng khá tốt và yêu thích ngôn ngữ này. Qua đó cũng khiến mình thay đổi suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp trong tương lai. 

Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan - Giảng dạy tiếng Hán

Về cuộc sống ở đây, thì mình ở Đài Bắc là thủ phủ của Đài Loan, với mình mọi thứ ở đây đều cực kỳ tiện lợi, cả giao thông cũng vậy. Mình có thể lựa chọn di chuyển bằng rất nhiều phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, xe đạp hoặc tàu cao tốc. Cửa hàng tiện lợi nhiều vô kể nên không bao giờ phải lo thiếu đồ ăn hay thiếu đồ dùng. Chí phí sinh hoạt cũng không chênh lệch nhiều so với ở Việt Nam. Ở đây, thật sự bạn có thể không bao giờ phải suy nghĩ đến việc tự nấu cơm vì có quá nhiều quán ăn để lựa chọn với nhiều mức giá, đặc biệt là cực kỳ sạch sẽ. Chỉ cần chi khoảng 40.000 VNĐ là bạn có thể có một bữa ăn ngon lành rồi. Còn riêng với mình thì đồ ăn ở Đài Loan hơi ngấy một chút, nên mình vẫn thích tự nấu hơn. Rau củ ở Đài Loan thì đắt nên tính ra tự nấu đắt hơn so với ăn ở ngoài. 

4 kỳ đầu tiên mình ở ký túc xá, cũng có nhiều mức giá để lựa chọn. Phòng mình ở là phòng thạc sĩ cho 2 người, chi phí là 6.000 Đài tệ/tháng, tương đương khoảng 4 triệu VNĐ. Đến kỳ cuối mình mới ra ngoài ở. Ở Đài Loan, nếu thuê một căn hộ mini khép kín sẽ rơi vào khoảng 12.000 – 15.000 Đài tệ (khoảng 8-10 triệu VNĐ), khá là cao, còn chưa kể tiền điện nước và diện tích tương đối nhỏ. Nhờ một người bạn giới thiệu nên mình tìm được chỗ ở khá ưng ý, là một căn hộ chung cư được chia nhiều phòng nhỏ, mình sử dụng chung bếp và toilet với mọi người, phí thuê nhà là 7.500 Đài tệ (khoảng 5 triệu VNĐ), không đắt hơn mấy so với ở ký túc xá, cộng thêm điện nước là khoảng 1.000 – 2.000 Đài tệ nữa. Vậy tính ra mình mất khoảng 6-7 triệu VNĐ mỗi tháng cho chi phí ăn ở.

Nói chung, chi phí nhà ở ở Đài Bắc khá cao, còn chi phí sinh hoạt tương đối rẻ. Tình hình an ninh ở bên này cũng rất yên tâm. Trong suốt hơn 2 năm ở đây, mình chưa từng bị cướp giật hay lừa gạt gì cả. Người Đài Loan cũng rất thân thiện. Khí hậu cũng giống với Hà Nội thôi, chỉ là thỉnh thoảng sẽ có bão hoặc động đất nhẹ. Lúc đầu cũng thấy hơi sợ, nhưng dần dần mình cũng quen. 

Con đường khiến mình tự tin
là con đường đúng đắn nhất

Sau khi cầm tấm bằng Thạc sĩ, mình lập tức trở về Việt Nam. Không ít người hỏi mình sao không ở lại Đài Loan vài năm rồi về. Phần vì mình thích cuộc sống ở Việt Nam hơn, phần vì ngành của mình là Giảng dạy tiếng Hán, về Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn ở Đài Loan. Thử nghĩ xem, người nước ngoài ở Đài Loan nếu học tiếng Hán, chắc chắn họ sẽ chọn người bản địa hơn là người Việt Nam như mình chứ, đó là lý do mình quyết định về nước phát triển. 

Nguyễn Thị Chi | Từng trượt Đại học và suất học bổng Thạc sĩ toàn phần tại Đài Loan

Sau khi về Việt Nam, mình từng có suy nghĩ trở về trường Đại học làm giảng viên khoa tiếng Trung, nhưng sau khi tìm hiểu thì mình nhận thấy mức lương giảng viên dành cho Thạc sĩ mới ra trường khá “khiêm tốn”, hơn nữa mình nghĩ giảng dạy ở trường Đại học sẽ có những ràng buộc nhất định như về phương pháp giảng dạy hay nhiều vấn đề khác cần phải theo mô hình có sẵn của trường, mình cảm thấy môi trường đó không thực sự phù hợp với người thích tự do sáng tạo như mình. Trong thời gian chờ đợi cơ hội việc làm phù hợp hơn, mình có hợp tác với Nhà xuất bản Kim Đồng một thời gian. Công việc chủ yếu là dịch sách và viết truyện. Thời gian đầu việc viết lách cũng khá suôn sẻ, nhưng sau một thời gian mình bắt đầu cảm thấy không biết viết gì, kiểu như cạn ý tưởng. Vì nội dung dành cho thiếu nhi, có thể mình không được “tâm hồn trẻ con” cho lắm. Nhận thấy đây không phải con đường mình có thể đi lâu dài, nên mình dừng lại và tìm kiếm cơ hội mới.

Sau đó mình làm việc cho một Trung tâm dạy tiếng Trung, cũng là công việc mình gắn bó đến tận bây giờ. Học sinh của mình thì người lớn có, trẻ con có, hơn nữa công việc nào cũng vậy, làm nhiều sẽ thấy nhàm chán, nên mình luôn cố gắng sáng tạo và thay đổi nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau phù hợp với từng đối tượng học sinh để đạt hiệu quả cao hơn. Và mình nhận thấy rằng, cùng là những công việc đòi hỏi chất xám và sáng tạo, nhưng khi dạy tiếng Trung mình cảm thấy tự tin hơn, có động lực để mình đi tìm những phương pháp mới, mô hình giảng dạy mới hơn, khi đó mình biết mình đã đi đúng đường. Hiện nay, vai trò của mình không dừng lại ở chuyên môn là giảng dạy nữa, mà đã đi sâu hơn về quản lý cũng như nhân lực như tham gia đề xuất thay đổi phù hợp về chương trình giảng dạy, thời gian, phân bổ giáo viên, nhân lực của Trung tâm, tư vấn khoá học, phát triển mảng nội dung trên mạng xã hội,… Công việc phong phú giúp mình học được nhiều hơn. Mình cảm thấy yêu thích công việc hiện tại, mỗi ngày với mình không phải là đi làm, mà là trải nghiệm, học hỏi và phát triển. 

Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan - Giảng dạy tiếng Hán
Back to top button