Nguyễn Trần Mai Hương
Trường Đại học
Goethe University Frankfurt (Goethe-Universität) – Sinologie
Ngành Xã hội & Ngành Ngôn ngữ Đức
Từng theo học tại
Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Lý do du học Đức
Du học Đức: Quá trình làm hồ sơ
Là một người thích khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ nên mình đã nuôi ước mơ du học ngay từ những ngày còn học phổ thông. Sau nhiều lần tìm hiểu, cân nhắc và chọn lựa, mình quyết định chọn Đức làm điểm đến với hy vọng được học tập và trải nghiệm cuộc sống ở đất nước tư bản, tự do ngôn luận, không máy móc, và một phần lý do nữa là bởi vì mình có người thân ở Đức, như vậy có lẽ sẽ thuận lợi hơn cho mình khi bắt đầu hành trình mới tại một đất nước xa xôi.
Mình vốn là học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Thái Bình, may mắn có được thành tích trong kì thi học sinh Giỏi cấp Quốc gia nên mình đã được tuyển thẳng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong năm nhất Đại học, mình tranh thủ học thêm tiếng Đức, tìm hiểu và bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ du học. Những tưởng việc được tuyển thẳng vào Đại học sẽ là điểm cộng lớn để mình được xét duyệt hồ sơ nhanh hơn, nhưng không ngờ đây lại chính là điểm bất lợi bởi Đại sứ quán không chấp nhận hồ sơ của mình vì không có điểm thi Đại học. Mình thật sự đã rất shock khi hay tin, tưởng như ước mơ du học của mình phải dừng lại…
Nhưng khao khát được chinh phục vùng đất mới, kiến thức mới vẫn hừng hực trong mình, mình nhất định phải đi! Nhưng không có điểm thi Đại học thì làm thế nào? Mình phải thi Đại học thôi chứ sao bây giờ… Và rồi mình tạm dừng việc học tiếng Đức để tập trung ôn thi Đại học. Nghĩ lại cũng thật mắc cười khi mà mình đang ngồi trên giảng đường Đại học lại vẫn ôn thi vào chính trường Đại học đó. Dù sao thì cuối cùng sự cố gắng của mình đã được đền đáp, mình có điểm thi Đại học rồi!
Sau đó mình lại tiếp tục ôn thi tiếng Đức để lấy bằng B1, một trong những hồ sơ bắt buộc để du học Đức. Thời điểm mình du học cần chứng minh tài chính tối thiểu là 8000 Euro, tương đương khoảng 190 triệu VNĐ, với điều kiện này mình chỉ có thể nhờ gia đình hỗ trợ.
Và sau một hành trình dài, cuối cùng hồ sơ du học của mình cũng được thông qua, mình chính thức giành được tấm vé du học Đức.
Chia sẻ kinh nghiệm du học Đức tự túc
Goethe University Frankfurt: Cơ duyên với trường
Để nói tại sao lại chọn trường Goethe University Frankfurt thì cũng rất tình cờ, có thể nói là một cái duyên. Một lần mình đi ngang qua vô tình ghé thăm quan ngôi trường này, ấn tượng đầu tiên đối với mình là trường có một khuôn viên rất rộng, đẹp và mang kiến trúc cổ xưa mình yêu thích, sau đó lên mạng tìm hiểu thêm, trường cũng có cả ngành Xã hội mà mình muốn học, phần nữa trường chỉ cách chỗ bác mình ở Đức khoảng 2 tiếng ngồi tàu, cũng khá tiện cho mình về thăm bác, nên mình đã “chốt” luôn ngành Xã hội của trường… Tuy nhiên trường quy định đối với bậc Cử nhân phải đủ 180 tín chỉ mới có thể tốt nghiệp, trong khi ngành Xã hội của mình chỉ có 120 tín chỉ, vì vậy mình phải chọn học thêm một ngành phụ là Ngôn ngữ Đức 60 tín chỉ nữa.
Kì học Đại học đầu tiên đối với mình cũng khá áp lực. Bởi dù đã học 1 năm dự bị và có 1 năm sinh sống ở đây, nhưng vì nhiều thuật ngữ, từ chuyên ngành rồi thậm chí cả tiếng “lóng” nữa nên mình không thể nghe hiểu hết được bài giảng, mình đều phải đọc tài liệu trước khi lên lớp. Phần nữa cũng vì tự ti về ngôn ngữ, lại nhút nhát, rụt rè nên mình dù không hiểu mình cũng không dám hỏi thầy cô như các bạn người bản xứ. Tuy nhiên dần dần mình cũng cố gắng khắc phục, cuối giờ mình thường ở lại và chủ động nhờ thầy cô giảng thêm về nội dung mình chưa hiểu. Các thầy cô ở trường cũng biết là những sinh viên quốc tế cần được hỗ trợ nhiều hơn nên cũng rất nhiệt tình và kiên nhẫn.
Du học Đức: Cơ hội làm thêm cho du học sinh
Bên Đức họ quy định sinh viên quốc tế được phép đi làm thêm tối đa 120 ngày (8 tiếng/ngày) hoặc 240 nửa ngày (4-6 tiếng/ngày) trong năm. Để đảm bảo hiệu suất học tập, sinh viên thường không được làm quá 20 giờ mỗi tuần. Vì muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, đến kì 2 của năm học dự bị mình bắt đầu đi làm thêm vào cuối tuần để kiếm thêm thu nhập. Do chỉ làm 2 ngày cuối tuần để đảm bảo việc học, thu nhập lúc đó chỉ tạm đủ tiền thuê nhà thôi. Còn đâu mình có thể rút 1 khoản tối đa khoảng 500 euro/tháng để trang trải từ số tiền 8000 euro chứng minh tài chính lúc đầu. Sang đến năm nhất Đại học, mình mới sắp xếp đi làm nhiều hơn. Du học sinh bên này đa số đi làm ở các quán ăn, mức lương chỉ rơi vào khoảng 9 euro/giờ, nhưng thỉnh thoảng bọn mình còn được khách tip thêm nữa, có khi tiền tip nhiều hơn tiền lương cả tháng. Với mức thu nhập này, nếu chi tiêu tiết kiệm, mình có thể tự chi trả toàn bộ chi phí khi học tập tại đây, bao gồm cả học phí.
Du học Đức: Chi phí sinh hoạt
Học phí ở Đức thì rẻ lắm, một năm chỉ hơn 700 Euro, tầm 17 triệu VNĐ thôi, và đã bao gồm cả chi phí tàu xe đi lạ trong bang, nặng nhất là tiền thuê nhà. Khi mới sang mọi thứ còn lạ lẫm nên mình cũng dự định ở trong kí túc xá của trường cho tiện việc đi học và an toàn, giá cũng rẻ, chỉ khoảng 150 – 250 Euro/tháng, nhưng vì không còn chỗ mà mình lại không muốn đợi lâu, mình mong muốn có thể ổn định chỗ ở sớm để tập trung học tập nên đã tự ra ngoài tìm nhà thuê. Chi phí thuê nhà ở ngoài đắt hơn khá nhiều,, Frankfurt nơi mình ở lại là thành phố lớn nên giá thuê nhà lại càng cao, khoảng 350 – 450 Euro/tháng, bằng tiền học 1 kì của mình luôn. Còn tiền tiền ăn, chi tiêu lặt vặt hết khoảng 200 euro/tháng.
Du học Đức: Chia sẻ cơ hội tìm việc
Mình nhận ra rằng rất nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc ngay vì không có kinh nghiệm, nên sau khi làm thêm ở quán ăn được 2 năm, mình không muốn tiếp tục làm quán nữa vì thấy công việc này chỉ có thể giải quyết vấn đề thu nhập trước mắt chứ không giúp được gì cho con đường tương lai nên mình quyết định xin đi thực tập, làm bán thời gian tại các công ty để lấy kinh nghiệm. Ban đầu cũng khó khăn lắm, mình nộp đơn ở nhiều công ty, cũng đến phỏng vấn nhiều nhưng không được nhận vì họ nhìn hồ sơ chỉ toàn làm quán ăn, không có chút kinh nghiệm liên quan. Nhưng rồi may mắn cũng có một công ty nhận mình vào thực tập. Mức lương thấp hơn đi làm quán nhiều nhưng mình xác định đi làm lấy kinh nghiệm, để có hồ sơ xin việc đẹp hơn sau khi tốt nghiệp ra trường, nên mình chấp nhận. Tuy chỉ làm part time 20 tiếng một tuần, nhưng mình đã học hỏi được rất nhiều thứ.
Hiện nay mình đã tốt nghiệp và được nhận vào làm tại phòng Nhân sự của một công ty phát triển phần mềm, mình sẽ chính thức đi làm full timevào tháng sau. Mình nghĩ lý do quyết định để mình có được công việc này là bởi họ nhìn vào hồ sơ của mình đã có hơn 2 năm làm việc trong mảng Quản lý nhân sự, tuy chỉ là làm thêm thôi nhưng cũng là một quá trình tích luỹ kinh nghiệm. Thật may vì khi đó mình đã khá tỉnh táo và sáng suốt.
Công ty mình nằm ở thành phố Munich, cách chỗ ở hiện tại đến 1 tiếng 20 phút ngồi tàu, nên công ty có chế độ hỗ trợ chi phí đi lại cho mình trong 6 tháng đầu. Trong thời gian này mình sẽ cố gắng tìm nhà mới gần công ty hơn để tiết kiệm thời gian và công sức đi lại.
Chia sẻ dự định tương tai
Vì mình mới vừa ra trường, chưa được thực sự trải nghiệm môi trường và văn hoá làm việc full time ở đây như thế nào, nên trước mắt trong 5 năm tới mình sẽ ở lại Đức làm việc và tích luỹ kinh nghiệm nhiều hơn, sau đó mới quyết định có trở về Việt Nam phát triển hay không.
Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho các bạn đang có dự định du học Đức. Chúc các bạn cũng sẽ có một hành trình tuyệt vời ở đây!